Patuxay nằm cuối đại lộ Lan Xang (Lạng Xạn) hay đại lộ Thanon Luang về phía đông bắc thủ đô Viêng Chăn là một biểu tượng chiến thắng của người Lào.
Hầu hết khách du lịch khi đến với thủ đô của đất nước Lào đều dành thời gian ghé thăm Patuxay, nơi được xem là biểu tượng của thành phố này. Patuxay (hay Patuxai) được người dân đất nước Triệu Voi ví như khải hoàn môn của thành phố. Công trình được xây dựng để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Lào.
Patuxay mang vẻ đẹp duyên dáng đậm nét văn hóa truyền thống Lào.
Patuxay nằm giữa trục đường chính của con đường đẹp nhất thủ đô, nơi dù bạn đi từ bất kỳ hướng nào cũng có thể nhận ra nó từ xa. Giữa ngã tư phố phường, Patuxay chào đón ánh bình minh của một ngày mới và cũng là nơi ngắm nhìn hoàng hôn rõ nét khi đêm về.
Patuxay có nhiều tên gọi khác như đường băng thẳng đứng, con quái vật bằng xi măng hay Champs Elysée của phương Đông. Công trình được xây dựng từ năm 1962 đến 1968. Qua nhiều lần dang dở vì thiếu kinh phí và nhiều lý do khác, cho đến nay Patuxay vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Với người dân Lào, sở dĩ công trình không được tiếp tục xây dựng vì nó thể hiện một phần lịch sử nghèo khó của đất nước. Công trình cũng như một lời nhắn nhủ đến thế hệ sau này biết đến quá khứ khó khăn để phấn đấu xây dựng đất nước trong tương lai.
Khung cửa sắt nhìn xuống quảng trường phía trước.
Patuxay có phần nào đó giống với Khải Hoàn Môn ở Paris nhưng mang nét bản sắc của văn hóa Lào. Đó là những hình tượng trang trí Kinari – nửa người phụ nữ và nửa chim, là những phù điêu mô tả trường ca Rama và các toà tháp mang đậm phong cách của người Lào.
Theo cầu thang xoắn ốc, du khách sẽ đến với tầng 7 của toà tháp. Không gian bao la và trải rộng vươn ra mọi hướng của thủ đô Viêng Chăn hiện ra trước mắt du khách. Nào toà thị chính thành phố, nào Pha That Luang (di sản văn hoá thế giới, biểu tượng quốc gia phật giáo tiểu thừa Lào), khu chợ lớn nhất ở Viêng Chăn, chợ Sáng…tất cả đều có thể ngắm nhìn từ Patuxay. Đây là một địa điểm lý tưởng để có thể chụp ảnh toàn cảnh thành phố.
Phía bên trong của Patuxay với những câu chuyện văn hóa đậm nét.
Tuy giữ nguyên dáng vẻ lạnh lùng của lớp xi măng phủ bên ngoài nhưng Patuxay lại được kết hợp hài hoà trong một quảng trường rộng lớn và hết sức đáng yêu. Khi nắng chiều nhạt dần là lúc người dân Viêng Chăn lại tụ tập về đây. Các gia đình đi dạo, những đứa trẻ tung tăng nô đùa, các cụ già hăng say tập thể dục, vài đôi tình nhân e ấp bên nhau cùng ngắm hồ nước mát trong, cái nắng vàng nhạt và khải hoàn môn Patuxay. Một không gian tuyệt vời và dễ mến của người dân Lào thân thiện.
Theo https://vnexpress.net/du-lich/patuxay-khai-hoan-mon-cua-nguoi-lao-2928508.html
Nhận xét