Hầm Hô là một trong những khu du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Bình Định; Hầm Hô nằm trên địa bàn xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 50km về hướng Tây Bắc và cách Bảo tàng Quang Trung khoảng 9 km về phía Nam. Du khách đi từ Quy Nhơn đến ngã tư thị trấn Phú Phong thì nhìn vào hướng tay trái hoặc nếu từ Gia Lai đi xuống thì hướng tay phải sẽ có bảng chỉ dẫn đường đến Hầm Hô. Hầm Hô Là điểm du lịch sinh thái gắn liền với di tích lịch sử Bảo tàng Quang Trung và nhiều điểm du lịch khác ở huyện Tây Sơn. Hầm Hô thực chất là một khúc sông có chiều dài khoảng 3 km, được tạo nên từ nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát khi cả hai dòng sông này cùng đổ vào dòng Phú Phong.
Dòng sông Phú Phong chảy từ chân của dãy núi Trường Sơn, với phong cảnh hai bên bờ là những khu rừng xanh ngát, phía trên là những ngọn núi nhấp nhô tạo nên cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hoang sơ hùng vĩ, làm cho du khách khi đến đây luôn có cảm giác quỹ thời gian còn quá ít trước khi trở về. Hầm Hô hội tụ những gì tinh túy nhất của thiên nhiên: Có núi, có rừng, có thú, có chim trên núi, có cá dưới sông, có nước dưới chân, có trời xanh cao vút, do đó không ngoa khi nói rằng Hầm Hô là một tuyệt tác thiên nhiên.
Cái tên “Hầm Hô” do Hầm Hô có rất nhiều hòn đá mọc lởm chởm tại miệng hầm nước, khi nhìn sẽ liên tưởng đến hàm răng hô của thiên nhiên nên có tên Hầm Hô. Cũng có cách lý giải khác là tại Hầm Hô có một thác nước cao chừng 6 – 7 m, nước đổ từ trên cao xuống phát ra tiếng vọng giống như tiếng người hô hoán từ trong hầm.
Tại Hầm Hô, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn có hai anh em ông Lê Kim Bôi và Lê Kim Bảng đã có công xây dựng đập Hầm Hô. Ngay tại cổng vào Hầm Hô, có đền thờ hai vị tiền hiền Lê Kim Bôi và Lê Kim Bảng. Hàng năm, vào ngày 20 tháng Giêng, tại đây có lễ cúng trang nghiêm của người dân đối với tiền nhân và ngày này trở thành ngày hội của Hầm Hô.
Năm 1995, Hầm Hô được UBND tỉnh Bình Định công nhận là thắng cảnh bởi vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú và là nơi thiêng liêng về văn hóa lịch sử. Hằng năm, vào chiều mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên đán, người dân Bình Định và du khách cả nước lại náo nức du xuân, dự lễ hội Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung để tưởng nhớ công tích lẫy lừng của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.
Trích: baobinhdinh.vn/
Nhận xét