Thường mỗi quốc gia chỉ có một thủ đô nhưng Cộng hòa Nam Phi có 3 thủ đô: Pretoria – thủ đô hành chính, Cape Town – thủ đô lập pháp và Bloemfontein – thủ đô tư pháp. Chưa kể Johannesburg được mệnh danh là “thủ đô kinh tế”… Nam Phi có 11 tên gọi khác nhau, tương ứng với 11 ngôn ngữ chính thức.

Thủ đô Pretoria – lấy tên của Andries Pretorius – một người Phi gốc âu rất được kính trọng nhưng là cha đẻ của chủ nghĩa Apartheid nên từ năm 2005 được đổi tên thành Tshware – nghĩa là “Chúng ta bình đẳng”, tuy nhiên khu trung tâm vẫn mang tên Pretoria và người dân vẫn quen gọi như vậy. Pretoria là quê hương của loài phượng tím nở rộ vào cuối tháng 10, nhuộm tím cả thành phố lãng mạn cổ kính. Cây phượng tím đầu tiên ở Việt Nam trồng trước chợ Đà Lạt, nay đã nhân giống ra nhiều nơi. Nếu Johannesburg sầm uất, hối hả và ngột ngạt thì Pretoria ngược lại – có phần chậm rãi và thanh bình. Thành phố nằm bên sông Apeis, không có nhiều nhà chọc trời, không kẹt xe dù xe hơi khá nhiều, rất ít xe gắn máy. Các công trình, tượng đài, trường đại học, nhà thờ Thiên Chúa giáo, công viên, vườn sinh thái, cây xanh… tạo cho Pretoria dáng dấp châu u. Các cửa hàng 9 giờ mới mở cửa, thứ bảy thì tới 11 giờ nhưng 15 giờ là đóng cửa, chủ nhật nghỉ bán nên phố vắng hoe.

Thủ đô Pretoria

Ảnh: internet

Cape Town thuộc tỉnh Tây Cape – được mệnh danh là “Thành phố tốt nhất thế giới (tạp chí Telegraph – Anh, bình chọn năm 2008), “Hải cảng đẹp nhất thế giới”, “Thành phố du lịch”. Bấy nhiêu cái tên cũng đủ nói lên sức quyến rũ của vùng đất xinh đẹp này. Núi Tabuer – còn gọi là núi Bàn – cao 1.082m, rộng 3km2, thường có mây bao phủ trắng xóa như tấm voan khổng lồ trải lên chiếc bàn vĩ đại của tạo hóa. Đây là vị trí cực đẹp để thưởng ngoạn toàn cảnh phố xá nhộn nhịp, thương cảng sầm uất. Bãi biển Clifton – được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 10 bãi tắm đẹp của thế giới… Đặc biệt có mũi Hảo Vọng – Good Hope Cape – điểm tận cùng của châu Phi. Đứng cạnh Good Hope Cape chụp hình với du khách các nước, tôi chợt nhớ về cảm giác đón bình minh ở Hải đăng Đại Lãnh (Phú Yên), điểm cực đông của dải đất hình chữ S quê mẹ. Cứ như đang đứng trên mui thuyền khổng lồ giữa mênh mông đại dương. Đẹp hơn nhiều. Dưới chân núi Hải Đăng – Đại Lãnh có bãi tắm cực đẹp, bên cạnh là dòng suối trong veo đổ ra biển cho du khách tắm lại.

Ảnh: internet

Còn thủ đô tư pháp Bloemfontem được mệnh danh là “Đài phun nước”, “Thành phố hoa hồng” cũng có nhiều kiến trúc độc đáo với những vườn hồng rực rỡ, nhiều cơ sở công nghiệp hiện đại.

Ảnh: internet

Nam Phi xếp thứ 3 về đa dạng sinh thái (sau Brazil và Indonesia). Có nhiều loài cây rất lạ. Cây bán nhân (Half Human), một loại cây mọc vùng khô cằn, ven các núi đá, thân mập, xốp và thẳng đứng, ngọn cây lòa xòa mấy cành lá, nhìn xa như tóc người. Cây protea – quốc hoa Nam Phi – có cánh hoa màu hồng giống hoa sen, nhụy màu trắng non giống hoa hướng dương. Cây bao báp cũng là thực vật đặc hữu. Gốc to vạm vỡ, cành và lá nhỏ, thân xốp, họ gạo, cây là nguồn cung cấp nước và thực phẩm, dược liệu, thuốc nhuộm cho thổ dân. Có cây cao tới 50m, chu vi gốc 40m, chứa hơn 120.000 lít nước và có thể sống trên 1.000 năm. Cạnh Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng có một cây bao báp. Do thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi hơn nên hình thù của cây cũng hơi khác. Dù có nhiều loài hoa và cây đặc hữu, nhiều loại thú quý hiếm nhưng rừng Nam Phi chỉ chiếm 1% diện tích. Công viên quốc gia Pinunesberg, rộng 55.000 ha là nơi chung sống của hơn 7.000 động vật thuộc hàng trăm loài khác nhau.

Theo: Nguyễn Văn Mỹ – Thanhnien.vn