Tết Chol Chnam Thmay còn được gọi là “Tết năm mới”: Là một trong những ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer. Căn cứ vào Phật lịch, tết Chol Chnam Thmay năm 2020 được diễn ra trong ba ngày từ 14 đến 16/4/2020. Tết Khmer Chol Chnam Thmay là dịp để người Khmer chúc mừng năm mới tại khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả cộng đồng người dân Khmer tại Việt Nam, với nhiều hoạt động ý nghĩa và đặc sắc, đặc biệt là phong tục tắm nước thơm cho Đức Phật tại các ngôi chùa.

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, tháng 4 là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Cỏ cây trở lại tươi tốt và thiên nhiên trỗi dậy sức sống. Chính sự thay đổi, bừng lên của thiên nhiên đã được mọi người quan niệm như sự khởi đầu của một năm mới.“Việc tổ chức lễ Chol Chnam Thmay (Chôl Chnăm Thmây) xuất phát từ mục đích cầu xin mùa khô qua mau để có thể bắt đầu mùa vụ mới”

Thời khắc giao thừa tết Chol Chnam Thmay không phải là 0 giờ 0 phút như Tết Nguyên Đán mà căn cứ vào thời khắc tiên nữ (một trong 7 nàng tiên con của Thần KaBưl MaHa Prưm) giáng trần. Giao thừa có thể rơi vào 13 giờ, 16 giờ hoặc 7 giờ sáng. Để biết thời khắc giao thừa ngày Tết Chol Chnam Thmay trong năm mới, A Cha trong các ngôi chùa sẽ làm lễ và thông báo cho người dân. A Cha là người từng tu hành, có địa vị cao trong xã hội và luôn được người dân Khmer kính trọng.

Tết Chol Chnam Thmay

Trong ảnh: Một hoạt động mừng tết Chol Chnam Thmay tại một ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh trong năm 2019. Ảnh: Duy Quang.

Ý nghĩa của ngày Tết Chol Chnam Thmay

Hàng năm, đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ đều tổ chức Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay là dịp để kết nối các thành viên trong gia đình lại với nhau và cũng là dịp để con cháu nhớ về tổ tiên hay hướng về những giá trị cổ truyền của dân tộc. Vào dịp này, mọi người thường sắm sửa đầy đủ lễ vật để dâng cúng chư thần cùng những người đã khuất và cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Tết Chol Chnam Thmay là nét đặc sắc về văn hóa nên cũng thu hút rất nhiều khách du lịch đến thăm quan tại những địa danh tổ chức lễ hội như ở Sóc Trăng, Tịnh Biên (An Giang), Trà Vinh hay Lễ hội té nước ở Lào, Capuchia, Thái lan…

Phong tục của ngày Tết Chol Chnam Thmay

Tết Chol Chnam Thmay thường tổ chức khoảng đầu tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer (khoảng giữa tháng 4 dương lịch). Kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày, tên gọi mỗi ngày tết khác nhau. Thời khắc giao thừa các gia đình chuẩn bị cỗ, thắp hương, đốt đèn để cúng nàng tiên cũ về trời, đón nàng tiên mới xuống dân gian. Các thành viên trong gia đình lúc này sẽ ngồi ngay ngắn, xếp chân trước bàn thờ thành kính khấn vái.

Ngày đầu tiên Maha Songkran (Chôl sangkran thmây): Người dân sẽ tắm gội sạch sẽ, đội cỗ lên chùa làm lễ rước Đại lịch và đọc kinh chúc mừng năm mới.

Ngày thứ hai Wanabat (Wonbơf): Các gia đình sẽ dâng cơm mời các nhà sư và làm lễ đắp núi cát để tìm phúc duyên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ngày thứ ba Tngai Laeung Saka (Lơng săk): Mọi người chuẩn bị nước thơm (gồm nước mưa và hoa tươi) rồi đến chùa làm lễ tắm Đức Phật.
Sau lễ tắm Phật, người Khmer còn làm lễ tắm cho các nhà sư cao niên trong chùa. Tiếp đến là lễ Kha ma tôs, tương tự như lễ sám hối. Sau đó, mọi người sẽ theo các vị sư đến các tháp đựng hài cốt và các nghĩa trang để làm lễ Bâng Skâu (Bun Băng skôl cầu siêu). Dưới sự hướng dẫn của vị Acha. Mọi người thành tâm cầu nguyện cho vong linh những người thân của mình được siêu thoát.

Tết Chol Chnam Thmay

Ảnh: Các vị sư thực hiện nghi thức tắm phật trong một ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh. Ảnh: Duy Quang.

Cuối cùng, sau nghi lễ tắm Phật tại nhà, tất cả con cháu trong gia đình cùng trải chiếu hoa, mời ông bà, cha mẹ ngồi để nhận lời xin tha thứ những thiếu sót hay lỗi lầm mà con cháu đã vấp phải trong suốt năm qua, cũng như nhận ở họ lời hứa thành tâm sửa chữa. Sau khi đọc kinh cầu nguyện, mọi người sẽ ước mong năm mới cả nhà luôn gặp được nhiều điều may mắn, vui vẻ, bình an và hạnh phúc. Sau đó, con cháu sẽ dùng nước tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ lòng biết ơn công ơn sinh thành dưỡng dục.

Nếu năm nhuận cũng có tên là: wonbơf

Sự tích Chôl Chnăm Thmây được lưu truyền:

Tết Chol Chnam Thmay (Chôl Chnam Thmây) tức là “Vào năm mới” của dân tộc Khmer. Lễ Chôl Chnam Thmây được bắt nguồn từ sự tích:
Ngày xưa, có cậu bé tên Thom Ma Bal rất thông minh, lúc lên bảy đã biết đem sự hiểu biết của mình truyền bá cho mọi người. Dân chúng thán phục và rất thích nghe chàng thuyết giảng.

Tiếng đồn về tài trí của Thom Ma Bal ngày càng lan rộng, chẳng mấy chốc đã vang tận thượng giới. Các vị thần cũng xuống trần gian xin nghe Thom Ma Bal thuyết giảng. Do vậy, những buổi thuyết giảng của vị thần KaBưl MaHaPrum (Phạm Thiên) trên thượng giới ngày càng vắng vẻ.

Thần KaBưl MaHaPrum vốn rất có uy thế trên thượng giới. Nay thần nghe ở dưới trần gian có kẻ hơn mình nên lấy làm ranh tỵ. Thần cho gọi hết tất cả các vị thần trở về, cấm không được xuống trần gian nghe thuyết giảng. Đồng thời thần tìm cách thử tài Thom Ma Bal. Một hôm, lúc Thom Ma Bal đang thuyết giảng cho dân chúng nghe thì Thần KaBưl MaHaPrum xuất hiện và nói :

Ta đã nghe đồn là nhà ngươi thông minh xuất chúng, nhưng ta chưa tin về điều đó. Nay ta muốn thách thức cùng nhà ngươi; Thần liền đặt ra cho chàng trai ba câu hỏi và nói: nếu ngươi trả lời đúng thì ta sẽ chấp nhận thua nhà ngươi và tự cắt đầu mình trước mặt ngươi. Còn ngươi không trả lời được thì phải dâng mạng sống của ngươi cho ta. Ba câu hỏi đó là:

Ngươi hãy cho ta biết: buổi sáng duyên con người ở đâu? Buổi trưa duyên con người ở đâu? Buổi tối duyên con người ở đâu?
Hỏi xong , thần KaBưl MaHaPrum hẹn bảy ngày sẽ trở lại nghe Thom Mal Bal giải đáp, rồi bay trở về trời. Thom Mal Bal suy nghĩ suốt ngày, đêm vẫn không tìm được câu trả lời. Đến ngày thứ sáu, chàng đi lang thang từ sáng đến trưa. Quá mệt mỏi và thất vọng, chàng ngồi nghỉ dưới gốc cây thốt nốt.

Lúc ấy, trên ngọn cây thốt nốt, hai con chim đại bàng nói chuyện với nhau. Con chim mái hỏi chim trống:

Ngày mai ta sẽ đi ăn ở đâu?

Ngày mai ta sẽ ăn thịt Thom Mal Bal, chim trống đáp .

Chim mái ngạc nhiên hỏi:

Tại sao lại ăn thịt Thom Mal Bal ?

Chim trống thuật lại chuyện thần KaBưl MaHaPrum yêu cầu Thom Mal Bal phải trả lời câu hỏi. Nghe xong, chim mái hỏi:

Vậy có ai giải đáp được không?

Chim trống tự đắc đáp:

Thế này, duyên của con người sáng ở trên mặt, nên ngủ dậy người ta phải rửa mặt cho tươi tỉnh. trưa, duyên con người ở trên ngực, nên người ta phải tấm cho mát. Tối duyên con người ở dưới chân, nên người ta rửa chân trước khi đi ngủ.

Thom Mal Bal ngồi dưới gốc cây, nghe được lời nói chuyện của đôi chim nên rất mừng rỡ và trở về nhà.

Hôm sau đúng hẹn,Thần KaBưl MaHa Prum tay cầm gươm vàng, đáp xuống gặp Thom Mal Bal. Y lời chim trống hôm qua, Thom Mal Bal trả lời ba câu hỏi đó của KaBưl MaHaPrum.

Thần KalBưl MaHaPrum thua cuộc, ngửa mặt lên trời, gọi bảy người con gái yêu xuống trần bảo:

Cha đã thua trí tuệ Thom Ma Bal rồi. Theo lời hứa, cha phải chết. Các con hãy cất giữ đầu của cha trong tháp trên đỉnh núi Pres Sô Me (núi TuDi), nơi người trần không chạm đến được. Thần căn dặn những người con:

Các con hãy cận thận, nếu để đầu cha rơi xuống biển, biển sẽ cạn, nếu tung lên không trung thì không có mưa và nếu để đầu cha trên mặt đất thì đất sẽ khô cằn, cỏ cây không mọc được.Và hằng năm các con hãy thay phiên nhau xuống trần gian để che chở cho nhân gian thoát khỏi mọi bệnh tật và bảo vệ mùa màng được tươi tốt hơn.

Dặn các con xong, Thần tự tay cắt cổ, trao đầu mình cho con gái lớn tên Thung-sa và thân của thần biến thành một luồng ánh sáng bay vút lên không. Người con gái lớn đặt đầu của cha lên chiếc mâm vàng, cùng sáu người em rước đầu cha mình bay ba vòng núi Pras-su-mê rồi mới đem cất giữ ở đỉnh núi Kay-Las.

Từ đó, hàng năm đúng ngày thần KaBưl Ma Ha Prum tự sát, bảy cô gái đến núi Pras-su-mê luân phiên nhau vào tháp làm lễ rước đầu của cha mình, bay quanh ngọn núi ba vòng.

Ngày đó chính là ngày vào năm mới (Chôl chnam thmây) của đồng bào Khmer. (vào ngày 13 tháng 04 dương lịch, năm nhuần là ngày 14 tháng 04 dương lịch hằng năm).

Tên bảy cô con gái (bảy nàng tiên) của thần Ka Bưl MaHa Prưm thay phiên nhau rước đầu Ka Bưl MaHa Prưm quanh ngọn núi:
1. Nếu bước sang năm mới vào ngày chủ nhật, phiên cô Thung – sa.
2. Nếu bước sang năm mới vào ngày thứ hai, đến phiên cô Go-ra-ga.
3. Nếu bước sang năm mới vào ngày thứ ba, đến phiên cô Rag-ya-sa.
4. Nếu bước sang năm mới vào ngày thứ tư, đến phiên cô Man-Tha.
5. Nếu bước sang năm mới vào ngày thứ năm, đến phiên cô Ki-ri-ni.
6. Nếu bước sang năm mới vào ngày thứ sáu, đến phiên cô Ki-mi-ra.
7. Nếu bước sang năm mới vào ngày thứ bảy, đến phiên cô Ma-ho-da-ra.
Do có sự tín ngưỡng như thế nên người dân Khmer mới chuẩn bị cúng tế và đón các nàng tiên lúc các nàng đưa đầu Ka Bưl MaHa Prưm bay ba vòng ngọn núi Pras-su-mê.

Travelworld tổng hợp từ nguồn: facebooker: Văn Hóa Phong Tục Khmer và https://www.budsas.asia/2013/01/su-tich-chol-chnam-thmay.html?m=1