Đứng sừng sững bên bờ Sông Thames phía đông Luân Đôn là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới—Tháp Luân Đôn. Gần một ngàn năm qua, pháo đài đồ sộ này, cũng là cung điện và nhà giam, đã đóng một vai trò trọng yếu trong lịch sử đầy biến động của Anh Quốc. Các vị vua, hoàng hậu, triều thần, tu sĩ, nhà chính trị và quan tòa đã đi qua những cánh cổng của tòa Tháp này—một số bước ra trong vinh quang, một số khác thì khuất bóng. Tại sao Tháp được xây dựng? Những bi kịch nào đã diễn ra bên trong những bức tường ấy hình thành nên lịch sử Anh Quốc?
Pháo đài hoàng gia
Sau khi Công Tước William xứ Normandy xâm chiếm Anh Quốc vào năm 1066, ông đã cho xây dựng nhiều pháo đài để ngăm đe kẻ thù là dân Anglo-Saxon. Công sự đồ sộ nhất tọa lạc ngay tại Luân Đôn. Nằm ở góc đông nam của tường thành La Mã cổ, pháo đài này trước kia bằng gỗ được xây lại bằng đá tảng và gọi là Tháp Lớn. Tháp có dạng hình vuông, ngang 32 mét, dài 36 mét; với chiều cao 27 mét sừng sững vươn lên bầu trời, nó gieo nỗi sợ hãi trong lòng dân địa phương. Sau khi một vị vua cho quét vôi, Tháp được đổi tên là Tháp Trắng.
Những vua kế vị lần lượt cho xây thêm những ngọn tháp với kích thước khác nhau, hai bức tường dầy và một hào sâu bao bọc xung quanh, khiến công trình này trở thành một trong những pháo đài khó tấn công nhất ở Châu Âu. Thật thế, những bức tường này đã vài lần che chở những vị vua khỏi sự nổi loạn của dân chúng. Trong thời nội chiến, phe nào kiểm soát được Tháp xem như chiến thắng, vì Tháp biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực. Vào thời bình, Tháp là điểm xuất phát của những cuộc diễu hành long trọng trong ngày lễ đăng quang. Khi ngụ ở đấy, vua và đoàn tùy tùng sống trong những gian phòng được trang hoàng lộng lẫy, và vua chiêu đãi khách quý bằng những yến tiệc linh đình. Tuy nhiên, kẻ thù của vua thì không được đối xử như thế.
Quốc ngục
Theo như được biết, tù nhân đầu tiên bị giam ở Tháp là vào năm 1100. Nhưng Tháp không như những nhà giam khác vì đó là nơi giam giữ những người thuộc giai cấp quý tộc và quan trọng. Trong số đó có vua bại trận của xứ Scotland và Pháp, giới quý tộc và hàng tu sĩ bị thất sủng hoặc phản bội. Có trường hợp tù nhân bị hành hình, thậm chí bị ám sát ở trong Tháp như Vua Henry VI, Vua Edward V, 12 tuổi và em trai.
Tù nhân bị giam ở bất cứ căn phòng nào trống, một số bị giám sát chặt chẽ, số khác được phép đi lại trong khu vực của Tháp. Án tù có thể ngắn hoặc dài. Ông William Penn, sau này là ngươi sáng lập khu kiều dân Mỹ ở Pennsylvania, bị giam tám tháng vì lý do tín ngưỡng. Sau khi bại trận, cháu của vua nước Pháp là Công Tước Charles xứ Orléans bị giam nhiều lần trong khoảng thời gian 25 năm, cho đến khi được chuộc bằng một số tiền khổng lồ. Sir Walter Raleigh, một triều thần, một nhà thám hiểm và là nhà văn, trải qua 13 năm đen tối trong ngục Tháp, đã viết cuốn History of the World để giết thì giờ, sau đó ông được tạm tha nhưng cuối cùng thì bị hành hình.
Án tử hình ngày càng nhiều
Tháp đặc biệt nổi tiếng về cách đối xử khắc nghiệt với tù nhân kể từ thời Phong Trào Cải Cách. Tuyệt vọng vì không có con trai nối dõi, Vua Henry VIII đã ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã và cho hành hình những ai không thừa nhận ông là lãnh đạo của Giáo Hội Anh Giáo. Người vợ thứ hai của ông, Hoàng Hậu Anne Boleyn vì không sinh được hoàng nam đã bị chém đầu, cùng với anh trai và bốn người khác tại Tháp, với tội danh phản quốc và ngoại tình. Hoàng Hậu Catherine Howard, vợ thứ năm của Vua Henry VIII cũng chịu cùng số phận. Ngoài ra, nhiều nhà quý tộc mang dòng máu hoàng gia, bị xem là mối đe dọa cho ngai vàng, cũng bị giam trong Tháp và chết trên đoạn đầu đài.
Khi nối ngôi vua cha Henry VIII, vị vua trẻ Edward VI theo đạo Tin Lành, tiếp tục ra lệnh hành hình nhiều người cách tàn bạo. Sau sáu năm cai trị, Vua Edward VI qua đời và chị cùng cha khác mẹ của ông là Mary, một người sốt sắng theo Giáo Hội Công Giáo La Mã, lên ngôi. Nữ hoàng này đã mau chóng ra lệnh chém đầu Lady Jane Grey 16 tuổi cùng với chồng, cả hai đều là những con tốt trong cuộc tranh giành ngôi báu. Dưới triều đại của nữ hoàng này, đến lượt người theo đạo Tin Lành bị giết. Công Chúa Elizabeth, em cùng cha khác mẹ của nữ hoàng, đã trải qua nhiều tuần lễ lo âu trong ngục Tháp. Thế nhưng khi lên ngôi, chính bà cũng ra lệnh bắt giam và hành hình những ai không chịu từ bỏ niềm tin Công Giáo hoặc chống đối vương quyền của bà.
Dù hàng ngàn người bị giam trong Tháp, nhưng chỉ có năm phụ nữ và hai người đàn ông bị chém đầu trong khu vực của Tháp, để tránh sỉ nhục do bị hành hình trước công chúng. Trong số những phụ nữ này là các hoàng hậu Anne Boleyn, Catherine Howard và Nữ Hoàng Jane Grey, lên ngôi chỉ được chín ngày. Phần lớn những cuộc hành hình khác, thường là chém đầu, diễn ra ở Tower Hill, ngọn đồi gần đó, trước một đám đông hỗn độn. Đầu bị bêu trên ngọn giáo được đặt ở Cầu Luân Đôn như một lời cảnh báo, còn thi thể thì đem về chôn dưới nền của nhà thờ nhỏ trong Tháp. Hơn 1.500 thi thể đã được chôn ở đó.
Thường với sự đồng ý của cấp trên, thỉnh thoảng tù nhân còn bị tra tấn để cung khai. Vào năm 1605, vì toan làm nổ tung nghị viện và ám sát vua trong âm mưu gọi là “Gunpowder Plot”, ông Guy Fawkes bị kéo căng trên một loại dụng cụ tra tấn nhằm khai ra tên những kẻ đồng lõa, sau đó thì bị hành hình.
Vào những năm 1600, ông Oliver Cromwell và phe nghị viện lên nắm quyền Anh Quốc và chiếm Tháp nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Sau đó, Vua Charles II chiếm lại ngai vàng, và dưới triều ông số tù nhân trong Tháp giảm đi. Tù nhân cuối cùng bị chém đầu tại đồi Tower Hill là vào năm 1747, nhưng về sau Tháp vẫn đóng vai trò là nhà giam. Trong Thế Chiến I, mười một gián điệp người Đức đã bị giam ở đó và bị xử bắn. Trong Thế Chiến II, Tháp là nơi tạm giam tù nhân chiến tranh trong đó có Rudolf Hess, cánh tay đắc lực của Hitler. Tháng tám năm 1941, tù nhân cuối cùng bị xứ bắn tại Tháp là gián điệp Joseph Jakobs.
Vệ binh và những bảo vật của vương quyền
Từ lâu, đã có những người canh giữ tù nhân và bảo vệ Tháp. Tuy nhiên, từ năm 1485 một đội vệ binh đặc nhiệm được thành lập. Lúc bấy giờ tù nhân được đưa đến bằng đường sông và vào Tháp qua Cổng Phản Bội. Khi tù nhân bị giải về từ nơi xử án, dân chúng để ý cách người vệ binh cầm rìu. Nếu lưỡi rìu quay về phía tù nhân, đó là dấu hiệu sẽ bị hành hình.
Ngày nay, những vệ binh vẫn canh gác Tháp nhưng cũng là hướng dẫn viên lành nghề cho du khách. Trong những dịp lễ, họ vận lễ phục lộng lẫy thuộc triều Tudor, màu hồng điều và hoàng kim với cổ áo xếp nếp màu trắng. Vào những ngày thường, họ mặc đồng phục màu xanh biển và đỏ thuộc triều Victoria. Đội vệ binh được dân chúng gọi là “beefeaters” (người ăn thịt bò). Có lẽ lúc ban đầu người ta gọi như thế để nhạo báng vì vào thời kỳ đói kém, trong khi dân Luân Đôn thiếu thực phẩm thì khẩu phần của những vệ binh luôn có thịt bò. Đây là cách để bảo đảm lòng tận trung của họ đối với vua.
Một vệ binh được cử ra để trông coi những con quạ to lớn sống ở Tháp. Theo sự mê tín, nếu những con chim này rời bỏ Tháp thì Anh Quốc sẽ suy vong, vì vậy chúng bị cắt bớt cánh.
Một đội vệ binh canh giữ những bảo vật của vương quyền. Kể từ thế kỷ 17, những bảo vật nổi tiếng này được trưng bày cho công chúng. Viên kim cương Cullinan I, lớn nhất trong loại tốt nhất thế giới, là một trong những viên đá quý vô giá được gắn trên vương miện, vương trượng và quả cầu cắm thánh giá vẫn được sử dụng trong hoàng tộc ngày nay.
Vườn thú, sở đúc tiền và kho quân dụng
Đầu thế kỷ 13, Vua John đã nuôi sư tử trong Tháp, nhưng vườn thú lạ của hoàng gia chỉ thật sự bắt đầu khi những vị vua ở Châu Âu tặng cho vua kế vị Henry III ba con báo, một gấu bắc cực và một con voi. Mặc dù những con thú này được nuôi để giải trí cho nhà vua và triều thần, nhưng hình ảnh chú gấu với sợi dây nơi cổ đang tắm Sông Thames và bắt cá gây thích thú cho dân chúng Luân Đôn. Theo năm tháng, nhiều thú lạ khác được đưa đến, và từ thời Nữ Hoàng Elizabeth vườn thú đã mở cửa cho công chúng. Vào những năm 1830, vườn bị đóng cửa vì thú được chuyển đến một sở thú mới ở Regent’s Park tại Luân Đôn.
Trong thời gian hơn 500 năm, một chi nhánh lớn của Sở Đúc Tiền Hoàng Gia đã hoạt động trong khu vực Tháp. Một trong những thời điểm mà chi nhánh hoạt động bận rộn nhất là dưới triều đại Henry VIII khi vua cho đúc những đồng tiền bằng bạc được tịch thu từ các tu viện bị giải tán. Tháp cũng là nơi lưu trữ những văn kiện pháp lý quan trọng của vương quốc, sản xuất và cất giữ quân dụng cho nhà vua và quân đội của vua.
Một di tích nhắc nhở về quá khứ
Ngày nay, Tháp Luân Đôn là một trong những điểm du lịch chính ở Anh Quốc. Vì Tháp vẫn giữ được những nét như thời xưa, thế nên một du khách đi dạo chung quanh những tháp màu xám ảm đạm, trên những con đường lát đá, không thể không nhớ đến những cảnh bạo lực, đau khổ và bi kịch đã xảy ra trong Tháp qua nhiều thế kỷ. Nơi đoạn đầu đài trên ngọn đồi Tower Hill, quá khứ đầy biến động của Tháp được tóm tắt trên một bia nhỏ tưởng niệm ‘những cuộc đời bi thảm, và sự tử vì đạo của những người đã liều mình và bỏ mạng vì niềm tin, tổ quốc, hoặc lý tưởng’.
Sưu tập internet / Ảnh: istockphoto
Nhận xét