Cũng như các nước Đông Nam Á lục địa khác như Lào, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar là xứ sở của voi. Trong khi voi trắng ở các quốc gia khác đã vắng bóng, tuyệt chủng từ lâu thì đất nước Myanamar hiện nay đang sở hữu chín con voi trắng và được xem như báu vật của quốc gia. Tại Naypyitaw, thủ đô mới của Myanmar, sáu con voi trắng được nuôi dưỡng trong một ngôi đền, kề bên chùa Uppatasanti ở trung tâm thủ đô, ba con voi trắng còn lại được chăm sóc tại Công viên Mindhamma Hill, vùng ngoại ô của Yangon, thủ đô cũ của nước này.

XỨ SỞ VOI TRẮNG ĐỀN VÀNG

Vẻ đẹp cổ kính của đất nước Myanmar

Những con voi trắng quý giá này là nguồn tài nguyên đặc biệt, mang lại niềm tự hào cho người dân Myanmar vì được sở hữu loại vật gắn với những huyền thoại và nghi lễ linh thiêng. Vì thế, những con voi trắng ở đây không phải nuôi nhốt trong chuồng trại bình thường mà được an trú, dưỡng thân trong những ngôi đền thật sự khang trang, có lối kiến trúc đẹp, mang phong cách truyền thống mà người địa phương gọi là “Đền voi trắng”. Cảnh quan của ngôi đền cũng rất thơ mộng, xung quanh có hồ, thác nước, cây xanh và thực vật nhân tạo, rất thuận tiện cho việc chăm sóc voi và tham quan, vãn cảnh ngắm voi của du khách.

Dưới góc độ sinh học, voi trắng thực ra là những những con voi khác thường, đột biến về gene, chúng có bộ da xám nhạt pha hồng và chính là những trường hợp bị bạch tạng, làm cho voi có màu nhạt hơn, hơi loang lổ (pale reddish-brown color). Voi trắng có lông trắng trên lưng, mắt màu vàng nhạt và cũng hiền lành hơn voi thường. Đặc biệt, các tộc người ở Đông Nam Á đều có nhiều huyền thoại về voi trắng. Ở Việt Nam, voi trắng là loài vật huyền bí được nhiều người muốn tìm hiểu nhưng phần lớn chỉ nghe trong truyền thuyết, truyện cổ, câu chuyện lịch sử như Bà Triệu cưỡi voi trắng đánh giặc và những gru săn voi nổi tiếng ở Tây Nguyên như Khunjuôp, Ama Kông đã từng bắt được voi trắng. Từ đó đến nay gần như chưa ai trông thấy chúng nữa. Trong khi đó, tại Myanmar hiện còn nhiều cá thể, là con vật được du khách quan tâm “tận mục sở thị” khi đến thăm đất nước này. Trong tập phim “Con người và con voi” thuộc bộ phim nhiều tập “Uống chung một dòng sông” do Đài Truyền hình Trung Quốc và các nước tiểu vùng sông Mê Kông hợp tác sản xuất, trước đây được phát trên các đài truyền hình. Một cảnh gây thú vị nhất là sự xuất hiện của những chú voi trắng và ngôi đền voi trắng ở đất nước Myanamar.

XỨ SỞ VOI TRẮNG ĐỀN VÀNG
Tượng voi trắng trong Chùa Vàng, ở thành phố Yangon

Nhiều nước có tục lệ thờ voi trắng như một biểu tượng linh thiêng và dấu hiệu của phú cường. Người Thái Lan gọi voi trắng là Chang Pheuak nghĩa là voi bạch tạng (albino elephant). Ngày xưa vua chúa thường cưỡi voi trắng để chứng tỏ uy quyền hoàng gia, biểu tượng cho sự phồn thịnh của đất nước dưới sự trì vì của nhà vua. Đã có nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu giữa Xiêm La và Miến Điện chỉ vì tranh giành voi trắng. Trong điển tích Phật giáo cũng có nhiều câu chuyện liên quan đến voi trắng. Phổ Hiền Bồ tát (Samantabhadra) cưỡi voi trắng sáu ngà tượng trưng cho trí huệ chiến thắng sáu giác quan. Vì voi là con vật khôn nhất trong các loài thú nên theo truyền thuyết, Phật Thích Ca khi nhập vào trong bụng mẫu hậu Sirimahamaya qua hình dáng một con bạch tượng, ám chỉ ngài là một bậc hiền giả giáng sinh. Đền chùa Phật giáo ở Myanmar ngoài lối kiến trúc đặc trưng truyền thống của từng vùng còn xuất hiện nhiều tượng voi, tranh bích họa về voi trang trí trên tường tháp. Chủ đề nổi trội nhất là hình tượng Đức Phật ngồi thiền trên lưng ba con voi đực có ngà ngắn, nhỏ. Một con voi đứng giữa làm trục đối xứng cho hai con voi hai bên. Vòi, đầu và chân voi đều khắc hoa văn tinh tế. Ở cổng chùa, đền tháp thường tạc hai chú voi trắng đứng uy nghi hai bên. Chùa Shwedagon ở Yangon còn gọi là Chùa Vàng, là chùa tháp lớn nhất và đẹp nhất Myanmar. Trên đỉnh tháp được gắn rất nhiều kim cương, hồng ngọc, bích ngọc và các loại đá quý, chùa được dát vàng nên lấp lánh dưới ánh mặt trời vào ban ngày và ánh điện về ban đêm… Xung quanh chánh điện, ngoài tượng Phật còn thấy nhiều nhóm tượng ngoài trời đặc tả ba chú voi trắng phủ phục, đầu hướng ra ngoài với phong cách nghệ thuật khá độc đáo. Vào dịp lễ hội lớn như lễ té nước (từ 11-20/4 dương lịch) hoặc lễ chùa đầu năm, người dân hoặc các vị sư sãi thường tiến hành nghi lễ tắm tượng Phật, đeo vòng hoa vào cổ tượng Phật. Trẻ em theo cha mẹ đi lễ chùa thường ngồi chơi đùa trên thềm có đặt tượng voi trắng.

XỨ SỞ VOI TRẮNG ĐỀN VÀNG
Một chú voi trắng khỏe mạnh nuôi ở Đền voi trắng, thủ đô Naypyitaw

Theo tập quán ngàn đời, các triều vua phong kiến trước đây cũng như thủ lĩnh chính trị hiện nay ở Myanmar đều rất tôn sùng, quý trọng voi trắng. Sự xuất hiện của nó như là báo hiệu một cải cách chính trị hoặc mang tới điềm lành. Khi địa phương hoặc quốc gia có những lễ hội lớn thì những con voi trắng được đưa ra khỏi các ngôi sự kiện đền, cho các nghệ nhân khéo tay trang trí, phục sức nghiêm chỉnh, làm sang cho những chú voi trắng và cùng đoàn người tham gia các hoạt động vừa nghiêm trang vừa náo nhiệt. Khi thấy voi trắng diễu hành qua quảng trường thì các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar đều đứng nghiêm chào voi. Họ còn trân trọng tiến đến thực hiện các nghi lễ thiêng liêng, tôn kính và không quên đeo vòng hoa đẹp, tưới nước thơm lên thân mình voi. Sau đó voi trắng cùng nhiều voi khác diễu hành quanh chùa Uppatasanti ở trung tâm thủ đô Naypyitaw trong khi tiếng cầu kinh chúc phúc cho nó vang lên bên trong ngôi chùa.

Hai đền voi trắng của Myanmar ở Naypyitaw và Yangon là những điểm đến thú vị của du khách trong và ngoài nước. Những chú voi trắng nơi đây được đặt tên riêng, được theo dõi kỹ lưỡng về chỉ số sinh học, chúng khỏe mạnh, hoạt bát vì chúng được chăm sóc khá tốt. Du khách đến tham quan có thể bỏ ít tiền lẻ mua vài món thức ăn cho chúng như mía, chuối, cỏ non… Những chú voi này tuy bị xích chân nhưng không chịu đứng yên mà luôn nhún nhảy như múa, tai phe phẩy như chiếc quạt, vòi cong lên võng xuống rất sinh động. Loài bạch tượng này chẳng những là báu vật của Myanmar mà còn tái hiện bức tranh huyền thoại xưa khi tham gia các lễ hội truyền thống ở đất nước Phật giáo nhiều đền vàng tháp cổ và góp phần làm nên nét độc đáo cho di sản văn hóa các dân tộc vùng Đông Nam Á.

Tác giả: TẤN VỊNH http://vanhoaquangnamonline.gov.vn/nhin-ra-the-gioi/xu-so-voi-trang-den-vang.html