Heidelberg ở đâu:
Heidelberg là một thành phố lớn nằm cạnh sông Neckar ở tây-nam của nước Đức trong bang Baden-Württemberg. Thành phố nổi tiếng thế giới vì có phế tích Lâu đài Heidelberg và khu phố cổ cũng như là trường Đại học Heidelberg lâu đời nhất nước Đức và là một trong những điểm đến trong nước Đức được du khách từ khắp nơi trên thế giới ưa thích nhất. Heidelberg là thành phố cổ duy nhất còn nguyên vẹn của Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Heidelberg là thành phố lớn thứ năm của bang Baden-Württemberg, Sau Stuttart, Karlsruhe, Mannheim và Freiburg im Breisgau, nằm trong vùng Đại đô thị Rhein Neckar nổi tiếng đông dân cư.
Heidelberg có gì:
Heidelberg từng là trung tâm của giới thi hào văn sĩ Đức, của những câu văn lời ca du dương, trầm bổng làm say đắm biết bao người, nơi của những , có lẽ vì thế mà có khu phố cổ Mark Twain, Goethe, Sir Walter Scott và Victo Hugo. Heidelberg giờ đây dù có pha chút hiện đại nhưng sự lãng mạn vẫn còn hiện diện và vẹn nguyên ở thành phố du lịch nổi tiếng Tây nam nước Đức này.
Đặc biệt vào mùa thu khung cảnh Heidelberg đẹp như trong truyện cổ tích. Ánh nắng mặt trời hòa quyện với sắc lá vàng tạo nên một bức tranh thiên nhiên rực rỡ tuyệt đẹp. Khi đi dạo dưới những hàng cây đã chuyển màu dưới thời tiết thu se se lạnh bạn sẽ cảm thấy như đang đi lạc vào bối cảnh bộ phim tình lãng mạn nào đó.
Lâu đài Heidelberg:
Lâu đài Heidelberg là một lâu đài rộng lớn có phần hoang phế tại Heidelberg-Đức. Các di tích lâu đài với thiết kế kiến trúc Phục hưng của dãy núi Alps. Lâu đài được trùng tu một phần từ sự hoang tàn phá hủy của nó trong 2 thế kỷ. Lâu đài nằm ở độ cao 80 mét trên phần phía bắc của đồi Konigstuhl. Từ đây có thể quan sát các điểm quan trọng của trung tâm thành phố cũ.
Lâu đài được xây dựng dười thời của bá tước Ruprecht, lâu đài đầu tiên được xây dựng vào khoảng năm 1214. Sau đó mở rộng thêm năm 1294. năm 1537 một tia sét đã phá hủy một phần lâu đài này. Kiến trúc hiện nay của lâu đài đã được xây dựng, mở rộng năm 1650, sau đó tiếp tục bị phá hủy do chiến tranh. Lần đầu năm 1689 và lần hai năm 1693 đều bị quân đội Pháp phá hủy. Năm 1764 một tia sét gây ra đám cháy đã thiêu hủy một phần sau này đã trùng tu lại.
Khu Phố cổ:
Thăm quan xong lâu đài nhất định phải xuống dạo bộ trong khu phố cổ, khu phố không bị ảnh hưởng nhiều trong chiến tranh thế giới thứ 2 nên vẫn giữ được nét đẹp Baroque nguyên thủy. Nếu muốn nghỉ chân có thể ngồi café tại quảng trường ngay sau ngôi nhà thờ có tên là Heiliggeistkirche tức nhà thờ Thánh Linh. Ngay tại quảng trường có ngôi nhà cổ nhất Heldelberg, ngôi nhà này do một thương gia xây dựng năm 1592. Ngày nay ngôi nhà được cho là đẹp nhất và có giá trị nhất về mặt lịch sử nghệ thuật của thành phố. Phần lớn những điểm đáng thăm quan đều nằm dọc theo con đường chính của khu phố cổ. Con đường dài 1,6km bắt đầu từ quảng trường Karl đi qua nhà thờ Thánh Linh vào khu phố cổ
Nhà thờ Thánh Linh (ảnh phanba)
Từ quảng trường Kornmarkt có thể thấy toàn cảnh lâu đài Heidelberg rất đẹp, đi thêm 1 đoạn là đến quảng trường mang tên của Đại công tước Karl Friedrich của Baden. ở đây có dinh thự Đại công tước xây năm 1717 ngày nay là trụ sở của Học viện khoa học Heidelberg, gần đó là dinh Boisseree của một gia đình quý tộc ngày xưa và nay là trụ sở của Khoa ngôn ngữ Đức.
Ngoài ra ở đây con có hai quán rượu được xây từ năm 1634 và 1703, thuộc trong những quán rượu sinh viên lâu đời nhất và nổi tiếng nhất của Heidelberg là: Zum Seppl và Zum roten Ochsen
Zum Seppl (ảnh internet)
Zum roten Ochsen (ảnh internet)
Đại học lâu đời nhất nước Đức:
Đại học Heidelberg được thành lập năm 1386, là trường đại học thứ ba trong Thánh chế La Mã ngày xưa (sau Prague và Wien), tức là trường đại học lâu đời nhất của nước Đức ngày nay. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20 trường đại học có quyền xử theo luật lệ riêng, do vậy mà cũng có nhà giam riêng cho sinh viên ở đây. Phía trước cổng chính của nhà bảo tàng (ngày xưa là trụ sở chính của đại học) có bức tượng một con sư tử, con vật trên huy hiệu của các vị bá tước đã từng cai trị ở đây. Tuy con vật chổng mông vào tòa nhà nhưng mà người ta nói rằng đó không phải là sự cố ý.
Đại học Heidelberg. Ảnh: Internet
Một điểm đặc biệt thú vị là nhà giam sinh viên ở mặt sau của Nhà bảo tàng Đại học Heidelberg. Từ năm 1778 đến năm 1914 đây là nơi giam giữ những sinh viên vi phạm luật lệ có đến 4 tuần. Họ chỉ được phép ra ngoài để đi học.
Cuộc sống của sinh viên Heidelberg và nhất là tửu lượng của họ rất…nổi tiếng trong văn học. Trong tác phẩm du ký trào phúng “A Tramp Abroad” (“Đi nước ngoài” – 1880) Mark Twain đã kể lại một cách rất thú vị về những nghi thức đấu kiếm và uống rượu lạ lùng của giới sinh viên Heidelberg ngày xưa. Nhà văn, nhà thơ người Đức Victor von Scheffel (1826-1886) cũng có nhiều bài hát mang tính hài hước và bất cần về cuộc sống của giới sinh viên Heidelberg, rất được ưa thích cho đến ngày nay. Ông von Scheffel có thời cũng là sinh viên ở Heidelberg nên chắc hẵn là biết rõ cuộc sống của họ hơn ai hết.
Cũng nằm trên đường chính này là Viện bảo tàng Kurpfalz. Nổi tiếng nhất trong bảo tàng này là tác phẩm khắc gỗ Chúa Giêsu và 12 tông đồ của nhà điêu khắc thiên tài người Đức Tilman Riemenschneider (1460-1531), được tạo tác năm 1509. Viện bảo tàng nằm trong Dinh Morass, được xây năm 1712/1716 cho hiệu trưởng Morass ngày xưa của Đại học Heidelberg. Bên trong còn có nhiều hiện vật khác (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18) đáng xem như đồ sứ từ thành phố Frankenthal, bộ đồ ăn bằng bạc gồm 72 phần của nữ bá tước Elisabeth Augusta và nhiều tranh vẽ thành phố Heidelberg. Vườn hoa phía sau nhà bảo tàng cũng là nơi nghỉ chân lý tưởng. Vườn hoa tuy có thể không đẹp bằng vườn hoa của lâu đài Heidelberg nhưng rất yên tĩnh.
Cầu Karl Theodor:
Nếu muốn lần theo dấu vết của những nhà văn và nhà thơ ngày xưa thì phải đi bộ trên cái cầu mà người Heidelberg thường gọi là Alte Brücke tức Cầu Cũ, qua bên kia sông Neckar. Cầu này có tên chính thức là cầu Karl Theodor, tên của một bá tước cai trị ngày xưa, được xây cả thảy 9 lần, lần cuối cùng năm 1788 xây bằng đá thay cho cây cầu bằng gỗ trước đó. Quân đội Đức Quốc Xã đã giật sập 2 nhịp cầu năm 1945 nhưng người dân Heidelberg đã tự động quyên góp tiền bạc để xây lại trong thời gian 1946/1947.
Con đường lãng mạn Philosophenweg tức đường Triết gia:
Sườn đồi bên kia sông Neckar có con đường đi dạo rất nổi tiếng: Philosophenweg tức đường Triết gia. Đường này nổi tiếng do thiên nhiên, phong cảnh và lịch sử có một hợp nhất rất độc đáo. Khu vực thuộc vùng ấm áp nhất nước Đức nên có rất nhiều cây cỏ và hoa lạ, mang nhiều màu sắc, tỏa hương thơm ngát. Dọc theo đường có nhiều nơi ngắm cảnh rất đẹp. Và nhất định phải dừng lại chỗ có cắm bảng kỷ niệm nơi Matthaeus Merian (1593-1650) sáng tác bức tranh khắc đồng của Heidelberg rất nổi tiếng (1620). Nếu so sánh thành phố ngày nay với thành phố trong tranh thì sẽ thấy rằng Heidelberg chẳng thay đổi là bao nhiêu trong vòng mấy trăm năm vừa qua, ngoại trừ lâu đài đã bị phá hủy.
Người ta nói rằng thành phố Heidelberg không bị phá hủy trong Đệ nhị thế chiến có lẽ là nhờ vào tác phẩm nhạc kịch “The Student Prince” rất ăn khách ở Mỹ trong thập niên 1920. Tác phẩm kể về câu chuyện tình của một hoàng tử nối ngôi người Đức, đã “khám phá” ra tự do trong lúc là sinh viên ở Heidelberg rồi yêu cô con gái của người chủ quán trọ. Thay vì dội bom hiện thân cho tính lãng mạn Đức, người Mỹ đã thiết lập sở chỉ huy quân sự ở châu Âu tại đây sau năm 1945. Vào những dịp tổ chức lễ hội (từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm) vở nhạc kịch này vẫn còn được trình diễn bằng tiếng Anh trong sân của lâu đài Heidelberg.
Travelworld (tổng hợp)
Nhận xét